Sức khỏe cho mọi người
A A A A

Tỷ lệ sỏi thận đang gia tăng

Sỏi thận là một bệnh tiết niệu phổ biến, nó có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của dân cư trên toàn thế giới. Sỏi thận có thể dẫn đến những tổn thương trầm trọng như nhiễm trùng tiết niệu, thận ứ nước, suy thận… Cơn đau quặn thận do sỏi là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất tại khoa cấp cứu, và nó trở thành một gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế.
Sỏi thận là một bệnh tiết niệu phổ biến, nó có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của dân cư trên toàn thế giới. Sỏi thận có thể dẫn đến những tổn thương trầm trọng như nhiễm trùng tiết niệu, thận ứ nước, suy thận… Cơn đau quặn thận do sỏi là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất tại khoa cấp cứu, và nó trở thành một gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế.
Tỷ lệ tái phát có thể lên đến 50% trong vòng 5 năm, độ tuổi lao động (20 – 60 tuổi) có tỷ lệ mắc bệnh cao nên bệnh sỏi thận là một gánh nặng to lớn cho gia đình và toàn xã hội. Nhìn chung, bệnh sỏi thận đã nhận được sự quan tâm của toàn thế giới, nó là một vấn đề tác động đến sức khỏe cộng đồng mà chúng ta không thể bỏ qua. Chỉ tính riêng tại Mỹ, chi phí để đối phó với bệnh sỏi thận năm 2.000 lên đến 2,1 tỷ USD.
Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận không giống nhau ở các vùng khác nhau trên thế giới, ở Mỹ trong số 11 người thì sẽ có một người mắc bệnh sỏi thận (khoảng 8,8% dân số). Ở các nước châu Á, cho đến ngày hôm nay vẫn chưa có những nghiên cứu trên diện rộng để đánh giá tình hình sỏi thận trong dân cư. Nhưng mới đây một phân tích tổng hợp (meta-analysis) đăng trên tạp chí Nature đã phân tích dữ liệu của 18 nghiên cứu trước đó và rút ra nhiều dữ liệu quan trọng về bệnh sỏi thận ở Trung Quốc.

Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận 7,54%

Các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu từ 18 nghiên cứu được thực hiện trước đó trong khoảng thời gian từ năm 1990 – 2016. Thông qua siêu âm, 7.032 bệnh nhân sỏi thận đã được phát hiện trong tổng số 115.087 người. Sau khi loại các đối tượng trẻ em tham gia khảo sát, tỷ lệ gộp mắc bệnh sỏi thận ở người lớn là 7,54% (khoảng tin cậy 95%: 5,94-9,15).
 
So sánh với tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở các khu vực khác, khu vực châu Á có tỷ lệ thấp hơn. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở Châu Âu là 9%, ở khu vực Bắc Mỹ là 13%, ở vùng Arab là 20% (lưu ý các số liệu này công bố trước năm 2.000). Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở các nước châu Á đang có xu hướng gia tăng và xích lại gần so với các nước phát triển phương Tây.

Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ

Theo kết quả phân tích tổng hợp, tỷ lệ bệnh sỏi thận ở nam giới là 10,34%, trong khi ở nữ giới chỉ có 6,62%. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao hơn nữ giới (tỷ số chênh 1,63), nhưng sự chênh lệch giữa nam và nữ đang có xu hướng giảm dần, trong quá khứ tỷ số này là 3,1 nhưng nay đã giảm còn 1,63. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với số liệu từ các nghiên cứu khác, chẳng hạn theo số liệu khảo sát quốc gia bệnh nhân nội trú, tỷ số này cũng đã giảm từ 1,7 xuống 1,3 trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2002.

Càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh sỏi thận

So sánh tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở các nhóm tuổi <20 tuổi; từ 20-29 tuổi; từ 30-39 tuổi; từ 40-49 tuổi; từ 50-59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận tương ứng trong từng nhóm tuổi là 0,27%; 3,15%; 5,96%; 8,18%; 9,14%; 9,68%. Thông qua số liệu này dễ dàng ta thấy, bệnh sỏi thận có mối tương quan với độ tuổi. Theo đó người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh sỏi thận càng cao.
 

Nếu chỉ so sánh tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở người già (nhóm trên 60) với nhóm trẻ tuổi (20-29), chúng ta thấy người già có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người trẻ tuổi (9,68% so với 3,15%). Do đó, xã hội cần đặt sự quan tâm về bệnh sỏi thận ở người già nhiều hơn người trẻ. Nguyên nhân người lớn tuổi mắc bệnh sỏi thận nhiều hơn là khá phức tạp, nhiều số liệu đã chỉ ra rằng tình trạng mắc các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này. Mặc khác, thói quen ăn uống nhiều protein động vật, nhiều muối, nhiều đường fructose cũng làm tăng bài tiết canxi dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.

Tỷ lệ sỏi thận có xu hướng tăng

Nếu so sánh tỷ lệ sỏi thận trong các nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 1991- 2000 với giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011 trở về sau, chúng ta dễ dàng nhận thấy bệnh sỏi thận đang có xu hướng tăng theo thời gian với tỷ lệ tương ứng 5,95%; 8,86% và 10,63%.
 

Tỷ lệ sỏi thận ở Mỹ cũng có xu hướng tăng theo thời gian. Khảo sát thực hiện năm 1970, tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận chỉ có 3,8% nhưng tăng lên 5,2% vào năm 1990 và đến năm 2000 là 8,8%. Xu hướng này cũng tương tự khi so sánh các số liệu khảo sát được thực hiện tại Đức. Tỷ lệ sỏi thận 4% năm 1997 đã tăng lên 4,7% dân số vào năm 2001, nếu chỉ tính riêng người già trên 65 tuổi thì tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn từ 6,8% tăng lên 9,5% chỉ trong 5 năm.
Xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận toàn cầu này có thể nguyên nhân do độ nhạy của các phương pháp chẩn đoán ngày càng tốt hơn. Nhưng một nguyên nhân quan trọng khác là do lối sống con người có nhiều thay đổi, tỷ lệ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường ngày càng tăng, đồng thời là tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Cũng thông qua phân tích này, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (tỷ lệ tương ứng là 6,03% và 7,48%).
Tóm lại, bệnh sỏi thận là một bệnh quan trọng cần phải quan tâm của hệ thống y tế. Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận đang có xu hướng gia tăng theo thời gian, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ và người càng lớn tuổi thì khả năng mắc bệnh càng cao. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh giữa nam và nữ cũng như giữa các nước đang phát triển và các nước công nghiệp đang ngày càng thu hẹp dẫn đến chiến lược phòng và điều trị bệnh sỏi thận cần thiết phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Mỗi công dân phải chủ động thay đổi lối sống và thói quen ăn uống để chủ động phòng ngừa, đừng đợi đến khi phải nhập viện vì cơn đau quặn thận thì có lẽ đã muộn

 
 14049   06/03/2017
http://www.nature.com/articles/srep41630 (ngày 31/1/2017)
Mới hơn
Tin khác
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon