Sức khỏe cho mọi người
A A A A

UỐNG VITAMIN C, HƠN 99% SẼ KHÔNG MẮC BỆNH SỎI THẬN

Vitamin C là một loại vitamin được sử dụng rất phổ biến, sử dụng vitamin C liều cao, kéo dài có thể gây bệnh sỏi thận. Tuy nhiên, không phải ai uống vitamin hằng ngày cũng sẽ bị sỏi thận.

Vitamin C sau khi vào máu sẽ được chuyển hóa một phần thành oxalat, làm tăng khả năng kết hợp với canxi để tạo nên những tinh thể canxi oxalat. Dựa trên giả thuyết này mà nhiều người tin rằng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận có thành phần canxi oxalat sẽ tăng cao ở những người thường xuyên bổ sung vitamin C liều cao. Được biết sỏi thận có nhiều loại khác nhau, trong đó canxi oxalat là loại sỏi phổ biến nhất chiếm tỷ lệ khoảng 80% những trường hợp mắc bệnh sỏi thận.

Thế nhưng thực tế có lẽ hơi khác so với giả thuyết ở trên. Các nhà khoa học đã chứng minh, vitamin C không gây sỏi thận cho phụ nữ khi sử dụng liều cao, thậm chí trong thời gian dài. Một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi 85.557 phụ nữ trong thời gian 14 năm ở Mỹ đã phát hiện tỷ lệ sỏi thận không khác biệt ở nhóm phụ nữ dùng vitamin C liều lớn hơn 1.500mg/ngày so với nhóm dùng liều nhỏ hơn 250mg/ngày.

Bên cạnh đó, nếu như sử dụng các sản phẩm bổ sung đa vitamin – có chứa vitamin C - cũng sẽ không ảnh hưởng đến bệnh sỏi thận. Điều này có thể giải thích do sự tác động phức tạp của nhiều vitamin khác nhau lên sự hình thành sỏi. Trong đó, vitamin B1, B6 đã được chứng minh làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Vitamin C trong thức ăn cũng đã được chứng minh không có tác động gì đến bệnh sỏi thận.

Còn trên đàn ông, nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Điển đã theo dõi 23.355 người trong thời gian 11 năm kết luận, sử dụng vitamin C liều 1.000mg/ngày làm nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi. Vậy chúng ta nên hiểu ý nghĩa của con số này như thế nào?

Thực tế nguy cơ mắc bệnh sỏi thận chỉ tăng 0,15% (từ 0,16% lên 0,31%). Thoạt tiên nếu chỉ đọc kết luận nguy cơ tăng gấp đôi, chúng ta sẽ lầm tưởng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận tăng rất cao nếu sử dụng vitamin C liều cao trong thời gian dài, nhưng nguy cơ tuyệt đối chỉ tăng một khoảng khá nhỏ (0,15%) và giá trị này không mang nhiều giá trị lâm sàng.

Điều này có thể diễn giải một cách dễ hiểu rằng nếu một người đàn ông uống liên tục mỗi ngày 1.000mg vitamin C trong thời gian 11 năm thì 99% sẽ không mắc bệnh sỏi thận. Mặt khác, nhiều nhà khoa học cho rằng, kết quả của nghiên cứu này có độ tin cậy không cao do thiết kế nghiên cứu còn nhiều điểm sơ hở. Có nghĩa là chúng ta chưa biết kết quả có lặp lại khi thực hiện hiện một nghiên cứu khác tương tự nghiên cứu này không, nếu chúng ta thay đổi thực hành lâm sàng chỉ bằng một nghiên cứu như thế này thì có lẽ hơi vội vã.

Hiện nay, vitamin C có thật sự là yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi thận hay không thì vẫn còn đang tranh cải, bằng chứng là các guideline hướng dẫn phòng bệnh vẫn không khuyến cáo hạn chế vitamin C. Nguyên nhân có thể do có sự bất nhất kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau. Tạm thời, ngoại trừ bệnh nhân đang mắc bệnh sỏi thận thì những người khỏe mạnh còn lại chưa cần quan tâm đến nguy cơ gây sỏi thận của vitamin C.

 18240   20/03/2017
DS. Hồ Đức Cường tổng hợp
Mới hơn
Tin khác
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon