Vườn dược liệu
A A A A

NGŨ VỊ TỬ

NGŨ VỊ TỬ

Tên gọi khác: Sơn hoa tiêu

Tên nước ngoài: Chinese magnolia vine (Anh)

Tên khoa học: Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.

Họ: Ngũ vị (Schisandraceae).

Bộ phận dùng:

Qủa chín phơi hoặc sấy khô của cây Ngũ vị bắc (Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.) hoặc Ngũ vị Hoa nam (Schisandra sphenanthera ehd. et Wils.) họ Ngũ vị (Schisandraceae).


Hình 1: Qủa Ngũ vị tử tươi (trái), khô (phải)

MÔ TẢ CÂY

Dây leo to, dài 5-7m, có thể hơn. Thân cành màu xám nâu, có nốt sần, cành non hơi có cạnh. La mọc so le, hình trứng, dài 5-11cm, rộng 3-7cm, gốc thuôn hẹp, đầu có mũi nhon, mép khía răng nhỏ, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới có lông ngắn ở gân những lá non, cuống lá dài 1.5-3cm.

Hoa đơn tính, khác gốc, tràng có 6-9 cánh, màu vàng trắng, có mùi thơm, nhị 5 Qủa mọng, hình cầu, đường kính 5-7mm, khi chín màu đỏ sẫm; hạt 1-2

Mùa hoa: tháng 5-7 ; mùa quả: tháng 8-9


Hình 3: Cây Trạch tả

PHÂN BỐ

Phân bố

Căn cứ vào đặc điểm của lá noãn và sự sắp xếp các phân quả, ngay từ năm 1830 C.L.Blome đã tách 2 chi Schisandra Michx và Kadsura Juss. Từ họ Magnoliaceae thành họ là Schisandraceae. Cả chi Schisandra Michx và Kadsura Juss có khoảng 50 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á, Nam, và Đông Nam Á, một số loài có ở Bắc Mỹ. Ở Việt nam, có 4 loài, trong đó 2 loài thuộc chi Schisandra Michx (S. coccinea Michx; S chinensis Baill.) và 2 loài thuộc chi Kadsura Juss. (K longgipedunculata Finet. Et Gagnep.). Qủa của các loài này được dùng làm thuốc với tên gọi chung là “ ngũ vị tử” hay “ngũ vị tử nam”. Riêng loài ngũ vị tử (S chinensis Baill. ) đã được phát hiện ở một số vùng núi cao giáp biên giới Trung Quốc như Lào Cai (Sapa, Bát Xát), Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hồ). Loài này còn gặp nhiều ở Trung Quốc.

Thu hoạch, sơ chế

Thu hoạch vào mùa thu, hái lấy quả chín, phơi khô hoặc sau khi đồ chín, phơi khô, loại bỏ cuộng và tạp chất.

Bào chế:

  • Ngũ vị tử sống: Loại bỏ tạp chất, giã vụn khi dùng.
  • Thố Ngũ vị tử (chế giấm): Lấy Ngũ vị tử trộn với một lượng đủ giấm, cho vào coóng  kín, đồ đến có màu đen, lấy ra, phơi hay sấy khô, khi dùng giã dập. Cứ 100kg Ngũ vị tử Bắc có màu đen, nhuận do có tinh dầu, hơi sáng bóng, thịt quả mềm, dính mặt ngoài vỏ quả trong có màu nâu đỏ sáng bóng. Hạt màu đỏ nâu, sáng bóng.
  • Ngũ vị nam: Sau khi chế giấm, mặt ngoài có màu đen nâu, khi khô nhăn nheo, thịt quả thường dính chặt vào hạt và không nhớt. Hạt có màu nâu, ít sáng bóng.

Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh mốc.

THÀNH PHN HÓA HỌC:

Ngũ vị tử chứa:

  • Tinh dầu mùi chanh, trong đó thành phần tinh dầu gồm 30% sesquiterpene, 20% aldehyd và aceton. Qủa chứa 11% acid citric, 7% acid malic và 0.8% acid tartric.
  • Thành phần chính của Ngũ vị tử là các dẫn chất của dibenzo [a,c] cycloocten. Hàm lượng của nhóm lignan này trong hạt ngũ vị tử giao động của nhóm lignan này trong hạt ngũ vị tử giao động từ 7.2-19.2%, cao nhất vào tháng 5 và tháng 6 và từ 1.3% đến 10.3% trong cành.
  • Dibenzo-[a,c]-cyclooctene lignans(schisandrol A/B, schisandrin A/B/C, schisantherin A-E, gomisin, angeloylgomisin, anwulignan, wulignan, epiwulignan, epischisandron)
  • Monoterpenes(borneol, 1,8 cineol, citral, p-cymol, α,ß-pinene)
  • Sesquiterpenes(sesquicarene, (+) α-ylangene, chamigrenal, α- and ß-chamigrene, ß-bisabolene



Hình 3: Một số công thức đại diện

CÔNG DỤNG

​Tác dụng dược lý:

  • Đối với gan:  ngũ vị tử có tác dụng bảo vệ chống độc hại gan, tăng tiết mật. Quả ngũ vị tử chứa các lignan có tác dụng làm giảm tổn thương gan trong các trường hợp viêm gan virus mạn tính. Ngũ vị tử là vị thuốc kháng khuẩn, bảo vệ gan. Ngũ vị tử được dùng để điều trị viêm gan mạn tính có hoạt độ transaminase huyết thanh cao, tổn thương gan, mệt nhọc, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, stress mạnh, hay quên, hồi hộp và tiêu chảy mãn tính. Ngũ vị tử có tác dụng hồi phục chức năng gan và làm giảm ALT huyết thanh nhanh trong viêm gan mạn tính, và còn kích thích cytochrom P450 làm tăng khả năng giải độc cơ thể. Ngũ vị tử làm tăng tổng hợp protein trong gan và làm tăng hoạt động các tiểu thể gan, các tiểu thể này làm tăng khả năng giải độc và tăng hoạt động chức năng gan
  • Đối với tim: Cao từ quả và hạt ngũ vị tử có tác dụng trợ tim, điều hòa tuần hoàn máu.
  • Đối với huyết áp: ngũ vị tử có tác dụng hạ huyết áp, nhưng khi cơ thể giảm tuần hoàn lại có khả năng điều tiết huyết áp.
  • Đối với hoạt động hô hấp: ngũ vị tử kích thích hô hấp, tiêu đờm, giảm ho.
  • Đối với thần kinh: ngũ vị tử có tác dụng giảm đau, an thần, làm dãn mạch ngoại biên, tăng tính kích thích, phản xạ và tăng hoạt động phản xạ có điều kiện.
  • Ngoài ra, đối với các chức năng khác của cơ thể, ngũ vị tử tác dụng tăng chức năng của tế bào miễn dịch, kháng khuẩn (mạnh đối với trực khuẩn mủ xanh), kháng virut, tăng xúc giác, tăng thị lực, ức chế sự hợp thành DNA của tế bào ung thư.

Trong đông y

  • Tính vị, quy kinh: Toan, hàm ôn. Quy vào kinh phế, thận.
  • Công năng, chủ trị: Liễm phế chỉ ho, sinh tân chỉ hàn, bổ thận cố tinh, chỉ tả, an thần. Chủ trị: Ho lâu ngày và hư suyễn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái dầm, niệu tần, tiêu chảy kéo dài, tự hãn, đạo hãn, tân dịch hao tổn, háo khát, mạch hư, nội nhiệt, tiêu khát, đánh trống ngực và mất ngủ
  • Cách dùng, liều luợng:  Ngày 1.5-6g, phối hợp các bài thuốc.
  • Kiêng kỵ: Đang cảm sốt cao, lên sởi, sốt phát ban.

Trong cuộc sống:

Bài thuốc có Ngũ vị tử

  1. Chữa tỳ thận dương hư đi tả: Ngũ vị tử 6g ; phá cố chỉ 12g; nhục đậu khấu, ngô thù du, mỗi vị 4g. Các vị tán nhỏ, luyện viên vói đại táo và sinh khương. Mỗi lần uống l0g, ngày một lần hòa với ít nước muối làm thang.
  2. Chữa suy nhược cơ thể do phế khí hư: Ngũ vị tử l0g; thục địa, tử uyển, tang bạch bì, mỗi vị 12g; đảng sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 10g. sắc uống ngày một thang.
  3. Chữa suy nhược cơ thể do mất máu, thiếu máu: Ngũ vị tử 6g; đảng sâm 16g; huyền sâm, địa hoàng, mỗi vị 12g; thiên môn, mạch môn, mỗi vị l0g; sâm, phục linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhân, toan táo nhân,  mỗi vị 8g; cát cánh 6g. Sắc uống ngày một thang.
  4. Chữa hen suyễn ở người già: Ngũ vị tử 6g; mạch môn 16g; sa sâm bắc, ngưu tất, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
  5. Chữa hen phế quản: Ngũ vị tử 8g; tế tân, tử uyển, khoản đông hoa, đại táo, mỗi vị 12g; ma hoàng10g; bán hạ chế 8g; xạ can 6g; gừng sống 4g. Sắc uống ngày một thang.
  6. Điều trị hỗ trợ nhồi máu cơ tim (kết hợp với cấp cứu của y học hiện đại): Ngũ vị tử, nhân sâm, mạch môn, mỗi vị 8g; cam thảo 6g. Sắc uống.
  7. Chữa suy tim: Ngũ vị tử 12g; đan sâm, long cốt, mỗi vị 16g; hoàng kỳ, phụ tử chế, mạch môn, đương quy, trạch tả, mã đẩ, mỗi vị 12g; nhân sâm, hổng hoa, mỗi vị 8g; đào nhân 6g. sắc uống ngày một thang.
  8. Chữa thiểu máu: Ngũ vị tử 10g; đảng sâm 16 g; phục linh, hoàng kỳ, thục địa, bạch thược, đại táo, mỗi vị 12g; đương quy. viễn chí, mỗi vị 10g; bạch truật 8g; quế tâm, cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g; gừng 2g. sắc uống ngày một thang.
  9. Điều trị hỗ trợ tai biển mạch máu não (kết hợp vơi cấp cứu cùa y học hiện đại): Ngũ vị tử 8g; mạch môn, long cốt, mẫu lệ, môi vị 12g; nhân sâm, phụ tử chế, mỗi vị 8g. sắc uống ngày một thang.
  10. Chữa chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên: Ngũ vị tử 8g; toan táo nhân, hoài sơn, long nhãn, mỗi vị 12g; đương quy 8g. sắc uống ngày một thang.
  11. Chữa bế kinh: Ngũ vị tử 40g; bạch thược 120g; cam thảo, hoàng kỳ, a giao, bán hạ chế, phục linh, dương quy, sa sâm, thục địa, mỗi vị 40g. Tán nhỏ, ngày uống 12-20g.

Trong y học hiện đại:

Viên canh niên an OPCalife do Công ty cổ phần Dược phẩm OPC bào chế dưới dạng viên bao phim theo chất lượng tiêu chuẩn GMP – WHO. OP. Calife Viên Canh Niên An được dùng cho thời kỳ tiền mãn kinh với các triệu chứng như: bốc hoả, ra mồ hôi, chóng mặt, ù tai, bứt rứt bất an, mất ngủ, huyết áp không ổn định. 


Sản phẩm OP.CALIFE Viên canh niên an
 

NGŨ VỊ TỬ (Fructus Schisandrae)

Đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam IV.

Mô tả

Ngũ vị Bắc: Qủa hình cầu không đều hoặc hình cầu dẹt, đường kính 5-8mm. Mặt ngoài màu đỏ, đỏ tía hoặc đỏ thẫm, nhăn nheo, có dầu, thịt quả mềm. Có trường hợp mặt ngoài màu đỏ đen hoặc phủ lớp phấn trắng. Có 1-2 hạt hình thận, mặt ngoài màu vàng nâu, sáng bóng. Vỏ hạt mỏng, giòn. Thịt quả mùi nhẹ, vị chua. Sau khi đập vỡ, hạt có mùi thơm. Vị cay, hơi đắng.

Ngũ vị Hoa nam: Qủa tương đối nhỏ, mặt ngoài màu đỏ nâu đến nâu, khô héo, nhăn nheo. Thịt quả thường dính chặt vào hạt.


Hình 4: Qủa Ngũ vị Bắc (a-quả; b-hạt)

Vi phẫu

Ngũ vị bắc: vỏ quả ngoài gồm một hàng tế bào hình vuông hoặc hình chữ nhật, thành hơi dày, bên ngoài phủ lớp cutin, rải rác có tế bào dầu. Vỏ quả giữa có 10 hàng tế bào mô mềm hoặc hơn, thành mỏng chứa hạt tinh bột, rải rác có những bó mạch chồng chất, nhỏ. Vỏ quả trong gồm 1 hàng tế bào hình vuông nhỏ. Vỏ hạt có 1 hàng tế bào mô cứng xếp xuyên tâm kéo dài, thành dày, có các lỗ nhỏ dày đặc và các ống. Ngay bên dưới vỏ hạt có 3 hàng tế bào mô cứng, có mấy hàng tế bào mô mềm. Phần sống noãn của hạt có các bó mạch; có một hàng tế bào hình chữ nhật chứa tinh dầu màu vàng nâu, dưới nữa là 3-5 hàng tế bào nhỏ. Tế bào vỏ trong của hạt nhỏ, thành hơi dày. Tế bào nội nhũ chứa giọt dầu và hạt aleuron.


Hình 5: Vi phẫu quả Ngũ vị tử Bắc
 

Trong đó:
A. Hình dạng tổng quát (Sketch)
B. Mặt cắt vi phẫu (Section illustration)
C. Vỏ quả ngoài, tế bào dầu và vỏ quả giữa (Exocarp, oil cell and mesocarp)
D. Vỏ quả giữa, vỏ quả trong, lớp lụa (Mesocarp, endocarp and testa)

1. Vỏ quả ngoài (Exocarp)
2. Tế bào dầu (Oil cell)
3. Bó mạch (Vascular bundle)
4. Vỏ quả giữa (Mesocarp)
5. Vỏ quả trong (Endocarp)
6. Lớp vỏ lụa (Testa)

6a. Lớp ngoài cùng của phần vỏ lụa (The outermost layer of testa)
6b. Lớp phía trong của phần vỏ lụa với các lớp tế bào đá (Inner layers of testa with several layers of stone cells ) 

7. Lớp tế bào dầu (Oil cell layer)
8. Tế bào vỏ trong (Inner epidermal cells of testa)
9. Nội nhũ (Endosperm)

Bột

Ngũ vị bắc: Màu tím thẫm, tế bào mô cứng của vỏ hạt có hình đa giác hoặc đa giác kéo dài khi nhìn trên bề mặt, đường kính 18-50µm, thành dày với các ống lỗ nhỏ, sít nhau; các khoang chứa chất dầu màu nâu sẫm vô định hình. Tế bào mô cứng của lớp trong vỏ hạt có hình đa giác, hình tròn hoặc các dạng hình không đều, đường kính tới 83µm, thành hơi dày với lỗ to. Tế bào vỏ hình đa giác khi nhìn trên bề mặt, thành tế bào phía ngoài lồi lên tạo thành lớp tế bào dạng chuỗi hạt, phủ lớp cutin, có vân sọc. Trong vỏ quả rải rác có tế bào dầu. Tế bào vỏ quả giữa nhăn nheo, chứa chất màu nâu vô định hình và hạt tinh bột. Đám tế bào nội nhũ chứa giọt dầu và hạt aleuron.


Hình 6: Vi phẫu bột quả Ngũ vị tử Bắc (dưới kính hiển vi quang học)

Trong đó:
1. Các tế bào đá phía ngoài vỏ lụa nhìn từ bề mặt(Stone cells of outer layer of testa in surface view)
2. Các tế bào đá phía ngoài vỏ lụa  và các tế bào đá quan sát được dưới vi phẫu bên trong (Stone cells of outer layer of testa and stone cells of inner layer in longitudinal section view)
3. Các lớp tế bào đá phía trong vỏ lụa (Inner layer of stone cells of testa)
4. Tế bào vỏ quả ngoài (Epidermal cells of exocarp)
5. Tế bào vỏ quả giữa (Mesocarp cells)
6. Lớp tế bào dầu và tế bào nội nhũ (Oil cell layer and endosperm cells)

Định tính
Thể hiện phép thử định tính quả Ngũ vị tử.

Chất chiết được trong dược liệu
Không được dưới 19.0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tro toàn phần
Không quá 5%

Độ ẩm
Không quá 13%

Tạp chất
Không quá 1%

Tỉ lệ vụn nát
Qủa có đường kính dưới 0.5cm: Không quá 5%.

 30142   20/09/2018
opcpharma.com
Tin khác
zalo-icon
facebook-icon
phone-icon