Hiện nay tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.
Điểm nguy hiểm của bệnh bạch hầu là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời, trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, gia tăng nguy cơ tử vong. Dấu hiệu bệnh bạch hầu: Sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu:
Tiêm vắc xin đúng lịch theo quy định
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
Che miệng bằng khăn sạch hoặc khuỷu tay áo khi ho hoặc hắt hơi
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày
Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh
Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng
Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ
Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám và điều trị kịp thời.
Nguồn:
Ngọc Diệp, (2023), “Bệnh bạch hầu: nguyên nhân và triệu chứng nhận biết”, Trang tin tức VNVC.
Nam Phương, (2024), “Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, có dễ lây?”, Báo Dân Trí.
CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM OPC